Trên thị trường hiện có 3 thiết bị gia dụng phục vụ nhu cầu sấy quần áo là máy sấy, máy giặt sấy và tủ sấy. Máy sấy quần áo là thiết bị chuyên dụng, hoạt động hiệu quả và bền bỉ nhất nên ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.
Máy sấy quần áo có 3 loại gồm bơm nhiệt, ngưng tụ và thông hơi. Máy sấy bơm nhiệt (heat pump) là loại tốt nhất, nên chọn mua nếu ngân sách cho phép. Nếu ngân sách hạn chế và có không gian làm ống thoát khí thải thì nên mua máy sấy thông hơi. Nếu không đủ ngân sách để mua máy sấy bơm nhiệt và không có không gian lắp đặt phù hợp để mua máy sấy thông hơi, chúng ta có thể mua máy sấy ngưng tụ.
Trong 3 loại, máy sấy thông hơi ra đời trước rồi đến máy sấy ngưng tụ. Máy sấy bơm nhiệt là dòng sản phẩm mới nhất, tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất. Hãy cùng Bếp 365 tìm hiểu cấu tạo, nguyên lý hoạt động và ưu nhược điểm của từng loại.
Ghi chú: Trên thế giới, máy sấy quần áo có thể chạy bằng điện hoặc khí đốt. Tại Việt Nam, hầu hết sản phẩm chạy bằng điện nên Bếp 365 sẽ chỉ tập trung cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn chọn mua máy sấy chạy bằng điện.
Máy sấy thông hơi (Vented dryer)
Máy sấy thông hơi sử dụng điện hoặc gas để sinh nhiệt làm nóng không khí (khoảng 70 - 75°C). Không khí nóng được đưa vào trống sấy, làm bốc hơi nước trên đồ sấy. Không khí nóng mang theo hơi nước trong trống sấy được hút và đẩy ra ngoài môi trường qua một ống dẫn
Ưu điểm
- Máy sấy thông hơi có thời gian sấy ngắn hơn máy sấy bơm nhiệt.
- Máy sấy thông hơi tiết kiệm điện hơn máy sấy ngưng tụ nhờ bỏ qua việc ngưng tụ hơi nước.
- Giá máy sấy thông hơi thấp hơn giá máy sấy bơm nhiệt cũng như máy sấy ngưng tụ.
- Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa máy sấy thông hơi thấp hơn máy sấy ngưng tụ và máy sấy bơm nhiệt do có cấu tạo đơn giản hơn.
Nhược điểm
- Máy sấy thông hơi xả khí nóng ẩm ra môi trường, vì vậy cần chọn vị trí đặt máy thuận tiện để nối ống thải khí.
- Máy sấy thông hơi tiêu thụ điện nhiều hơn máy sấy bơm nhiệt 3 - 4 lần.
- Máy sấy thông hơi có nguy cơ cháy nổ cao hơn máy sấy bơm nhiệt do làm nóng không khí trực tiếp bằng đầu đốt và hoạt động ở nhiệt độ cao hơn.
Tham khảo: Những điều bạn cần biết về máy sấy thông hơi
Máy sấy ngưng tụ (Condenser dryer)
Máy sấy ngưng tụ dùng điện hoặc gas để sinh ra nhiệt làm nóng không khí (khoảng 70 - 75°C). Khí nóng được đưa vào trống sấy, làm nước trên đồ cần sấy bốc hơi. Không khí nóng ẩm trong trống sấy được dẫn tới bộ phận ngưng tụ để thu hồi nước vào hộc chứa hoặc xả ra hệ thống thoát nước. Không khí sau khi được thu hồi nước sẽ tiếp tục được làm nóng và dẫn vào trống sấy, bắt đầu 1 chu trình mới.
Ưu điểm
- Máy sấy ngưng tụ có thời gian sấy ngắn hơn máy sấy bơm nhiệt (heat pump).
- Giá máy sấy ngưng tụ thấp hơn máy sấy bơm nhiệt.
- Máy sấy ngưng tụ không kén vị trí đặt máy, không xả khí nóng ẩm ra môi trường bên ngoài như máy sấy thông hơi.
Nhược điểm
- Máy sấy ngưng tụ sử dụng nhiều điện năng hơn máy sấy thông hơi một chút và hơn máy sấy bơm nhiệt 3 - 4 lần.
- Giá máy sấy ngưng tụ cao hơn giá máy sấy thông hơi.
- Máy sấy ngưng tụ có nguy cơ cháy nổ cao hơn máy sấy bơm nhiệt do làm nóng không khí trực tiếp bằng đầu đốt và hoạt động ở nhiệt độ cao hơn.
Tham khảo: Những điều bạn cần biết về máy sấy ngưng tụ
Máy sấy bơm nhiệt (Heat pump dryer)
Máy sấy bơm nhiệt dùng máy nén và khí gas để làm nóng và làm mát không khí. Không khí hấp thụ nhiệt từ khí gas trong môi trường áp suất cao tại dàn nóng lên khoảng 50 - 60°C, sau đó được đưa vào trống sấy làm nước trên đồ sấy bốc hơi. Không khí nóng ẩm từ trống sấy được dẫn tới dàn mát để ngưng tụ và thu hồi hơi nước. Sau khi được thu hồi hơi nước, không khí lại được làm nóng và đưa vào trống sấy, bắt đầu 1 chu trình mới.
Ưu điểm
- Tiết kiệm năng lượng vượt trội: Cùng hãng sản xuất, cùng mức công suất sấy, công suất tiêu thụ điện của máy sấy heat pump chỉ bằng khoảng 1/3 - 1/4 máy sấy ngưng tụ hay máy sấy thông hơi.
- Bảo vệ môi trường hơn: Nhờ khả năng tiết kiệm năng lượng vượt trội, máy sấy heat pump giảm đáng kể lượng khí thải carbon và những tác động tiêu cực tới môi trường.
- Bảo vệ đồ sấy tốt hơn: Nhờ sấy ở nhiệt độ thấp hơn và tối ưu luồng lưu thông của không khí, máy sấy heat pump bản vệ đồ sấy tốt hơn máy sấy ngưng tụ và máy sấy thông hơi.
Nhược điểm
- Chi phí đầu tư ban đầu cao: Máy sấy heat pump hiện nay có giá cao hơn máy sấy thông hơi và máy sấy ngưng tụ.
- Thời gian sấy lâu hơn: Do sấy ở nhiệt độ thấp hơn, thời gian sấy 1 chu trình tiêu chuẩn của máy sấy heat pump dài hơn máy sấy ngưng tụ hay máy sấy thông hơi (khoảng 10 - 20 phút).
- Chi phí sửa chữa cao hơn: Máy sấy heat pump có nhiều bộ phận hơn, cấu tạo phức tạp hơn máy sấy ngưng tụ và máy sấy thông hơi, vì vậy, chi phí bảo sửa chữa, bảo dưỡng cũng có khả năng cao hơn.
Tham khảo: Những điều bạn cần biết về máy sấy heat pump
So sánh máy sấy thông hơi - ngưng tụ - bơm nhiệt
Thông hơi | Ngưng tụ | Bơm nhiệt | |
---|---|---|---|
Giá thành | Thấp | Vừa | Cao |
Tiêu thụ điện | Vừa | Cao | Thấp |
Bảo vệ đồ sấy | Trung bình | Trung bình | Tốt |
Xả khí nóng ẩm | Có | Không | Không |
Vị trí đặt máy | Kén | Không kén | Không kén |
Thời gian sấy | Nhanh | Nhanh | Vừa |
Đầu tư mua máy sấy quần áo loại nào hiệu quả nhất?
Nếu ngân sách cho phép, bạn nên đầu tư mua máy sấy bơm nhiệt vì máy sấy bơm nhiệt không những bảo vệ đồ sấy tốt nhất, ít tổn hại cho môi trường nhất mà còn kinh tế nhất. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng về lâu dài, máy sấy bơm nhiệt sẽ giúp bạn tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng, hoàn toàn bù đắp được chi phí đầu tư.
Chúng ta cùng so sánh 2 máy sấy của Bosch là WTR85V00SG và WTB86201SG
WTR85V00SG: Máy sấy bơm nhiệt, Serie 4, công suất sấy 8kg, công suất tiêu thụ điện 600W, định mức tiêu thụ điện/160 chương trình sấy cotton tiêu chuẩn là 235kW. Hiện có giá niêm yết/giá bán là 22.490.000/18.000.000đ
WTB86201SG: Máy sấy ngưng tụ, Serie 4, công suất sấy 8kg, công suất tiêu thụ điện 2.600W, định mức tiêu thụ điện/160 chương trình sấy cotton tiêu chuẩn là 560kW. Hiện có giá niêm yết/giá bán là 20.890.000/16.300.000đ
Theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện tại, nếu gia đình bạn hàng tháng trả 1.000.000đ tiền điện, giá trung bình cho 1 số điện sẽ là 2.500đ.
Tiền điện 1 năm theo định mức tiêu thụ điện/160 chương trình sấy cotton tiêu chuẩn là:
WTR85V00SG: 2.500 (đ) x 235 (kW) = 587.500đ
WTB86201SG: 2.500 (đ) x 560 (kW) = 1.400.000đ
Chênh lệch chi phí tiền điện 1 năm là: 1.400.000 - 587.500 = 812.500đ
Chênh lệch chi phí đầu tư theo giá niêm yết: 22.490.000 - 20.890.000 = 1.600.000đ
Chênh lệch chi phí đầu tư theo giá bán: 18.000.000 - 16.300.000 = 1.700.000đ
Thời gian cần thiết để chênh lệch chi phí tiền điện bù đắp hết chi phí đầu tư theo giá bán: 1.700.000 : 812.500đ = 2,09 năm.
Theo đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau, tuổi thọ trung bình của máy sấy quần áo vào khoảng 10 - 15 năm. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ tiết kiệm được 1 khoản tiền không hề nhỏ từ chi phí điện nếu chọn mua máy sấy bơm nhiệt.
Nên mua máy sấy quần áo loại nào?
Qua so sánh ưu điểm, nhược điểm và hiệu quả của các loại máy sấy quần áo, chúng ta có thể thấy:
Máy sấy bơm nhiệt: Nên mua nhất nếu ngân sách cho phép vì tiết kiệm năng lượng, ít thải khí nóng ra môi trường, không kén vị trí đặt máy, bảo vệ đồ sấy tốt nhất, hiệu quả đầu tư cao nhất.
Máy sấy ngưng tụ: Nếu không đủ ngân sách để mua máy sấy bơm nhiệt và không có không gian làm đường ống thoát khí thải để mua máy sấy thông hơi, chúng ta có thể mua máy sấy ngưng tụ.
Máy sấy thông hơi: Nếu không đủ ngân sách để mua máy sấy bơm nhiệt và có không gian làm đường ống thoát khí thải, chúng ta có thể mua máy sấy thông hơi.
Ngoài cách phân loại theo công nghệ, máy sấy trên thị trường còn được phân loại theo công suất sấy, loại cửa và kiểu lắp đặt, loại năng lượng tiêu thụ. Bạn nên chọn máy có công suất sấy cao hơn nhu cầu hiện tại 10 - 20%, vừa đảm bảo độ bền cho máy, vừa yên tâm không lo khi có phát sinh khối lượng cần sấy. Trước khi mua, bạn cần xác định vị trí lắp đặt để chọn loại máy có cửa và kiểu lắp đặt phù hợp. Hầu hết máy sấy quần áo trên thị trường hiện nay sử dụng điện vì an toàn hơn, ít gây hại tới môi trường hơn.
Nếu bạn cần thêm thông tin để chọn mua cho mình một chiếc máy sấy quần áo tốt, phù hợp, hãy tham khảo thêm những bài viết sau nhé:
» Top 10 máy sấy quần áo tốt hiện nay
» Kinh nghiệm chọn mua máy sấy quần áo
Tác giả: Nguyễn Phương