Máy sấy thông hơi dùng điện hoặc gas làm nóng không khí để sấy đồ trong trống sấy, sau đó, khí nóng ẩm trong trống được hút và đẩy ra ngoài theo một đường ống.
Máy sấy thông hơi mặc dù có nhược điểm là tiêu thụ nhiều năng lượng hơn máy sấy bơm nhiệt nhưng lại có ưu điểm là giá thành rẻ nhất trong 3 loại máy sấy quần áo nên hiện vẫn được sử dụng khá phổ biến.
M. Pochon được biết là người phát minh ra máy sấy quần áo vào năm 1799 ở Pháp. Đồ sấy được đựng trong một chiếc thùng hình cái trống có đục nhiều lỗ. Trống được quay bằng tay và hơi nóng từ lửa làm nước trên đồ sấy bốc hơi.
Cấu tạo
-
Quạt gió: hút, đẩy các luồng không khí bên trong máy sấy.
-
Trống sấy: chứa đồ cần sấy.
-
Cầu chì nhiệt: ngắt điện khi có sự cố khiến nhiệt độ trong máy quá cao để đảm bảo an toàn.
-
Cảm biến nhiệt: theo dõi nhiệt độ sấy.
-
Bánh xe dòng dọc: tạo lực căng cho đai dẫn động giúp quay trống sấy.
-
Đai dẫn động: truyền chuyển động từ động cơ làm quay trống sấy.
-
Động cơ dẫn động: truyền chuyển động qua đai dẫn động và bánh xe dòng dọc làm quay trống sấy.
-
Thanh trượt (miếng trượt, miếng đệm trống): hỗ trợ trống sấy quay.
-
Con lăn trống sấy: giúp định vị trống sấy, chống rung lắc.
-
Bảng mạch điều khiển: điều khiển hoạt động của máy sấy.
-
Thanh đốt, đầu đốt: làm nóng không khí trước khi đưa vào trống sấy.
-
Vỏ máy: giúp bảo vệ và cố định các bộ phận.
-
Chân máy: giúp ngăn cách máy với sàn đặt máy, hỗ trợ chống rung cho máy.
-
Bóng đèn (trong trống sấy): giúp người dùng dễ dàng quan sát đồ sấy trong trống.
-
Bộ lọc xơ vải: lọc xơ vải từ luồng không khí đi ra từ trống sấy.
-
Các nút điều khiển: thường là nút xoay để chọn chương trình và nút bấm để thiết lập các chức năng.
-
Gioăng cửa: giúp đóng cửa kín khít hơn.
-
Khóa cửa: khóa cửa khi máy đang hoạt động hoặc khi không dùng máy.
-
Ô thông hơi: ô lấy không khí vào máy.
Nguyên lý hoạt động
Máy sấy thông hơi sử dụng điện hoặc gas để sinh nhiệt làm nóng không khí (khoảng 70 - 75°C). Không khí nóng được đưa vào trống sấy, làm bốc hơi nước trên đồ sấy. Không khí nóng mang theo hơi nước trong trống sấy được hút và đẩy ra ngoài môi trường qua một ống dẫn.
Phân loại
Máy sấy thông hơi thường được phân loại theo công suất sấy, ngoài ra, còn được phân loại theo loại cửa, kiểu lắp đặt và năng lượng tiêu thụ để giúp người tiêu dùng dễ lựa chọn sản phẩm phù hợp.
Công suất sấy là khối lượng đồ sấy tối đa mỗi lần sấy. Các máy sấy thông hơi gia dụng trên thị trường Việt Nam hiện có công suất sấy từ 6 - 15 kg, trong đó, công suất phổ biến nhất là từ 7 - 9 kg.
Loại cửa là một yếu tố quan trọng khi chọn mua máy sấy thông hơi nên được dùng như một tiêu chí phân loại. Loại cửa cần phù hợp với không gian lắp đặt máy. Đa số máy sấy thông hơi hiện tại có cửa nằm ở mặt trước. Một số máy có cửa nằm ở mặt trên. Đa số máy sấy thông hơi cửa trước có bản lề bên phải, để thuận tiện cho việc chuyển đồ từ máy giặt sang, một số ít máy có bản lề bên trái.
Kiểu lắp đặt và không gian đặt máy cần phù hợp với nhau. Đa số máy sấy ngưng tụ trên thị trường là loại độc lập, thuận tiện cho việc chọn vị trí và lắp đặt. Máy sấy âm tủ sẽ giúp cho không gian bếp của chúng ta trông gọn gàng hơn.
Năng lượng tiêu thụ của máy sấy thông hơi là điện hoặc gas. Hiện nay, tại thị trường Việt Nam chỉ có máy sấy quần áo thông hơi sử dụng điện. Nếu muốn, bạn có thể nhập khẩu máy sấy thông hơi sử dụng gas.
Ưu điểm
- Máy sấy thông hơi có thời gian sấy ngắn hơn máy sấy bơm nhiệt.
- Máy sấy thông hơi tiết kiệm điện hơn máy sấy ngưng tụ nhờ bỏ qua việc ngưng tụ hơi nước.
- Giá máy sấy thông hơi thấp hơn giá máy sấy bơm nhiệt cũng như máy sấy ngưng tụ.
- Chi phí bảo dưỡng, sửa chữa máy sấy thông hơi thấp hơn máy sấy ngưng tụ và máy sấy bơm nhiệt do có cấu tạo đơn giản hơn.
Nhược điểm
- Máy sấy thông hơi xả khí nóng ẩm ra môi trường, vì vậy cần chọn vị trí đặt máy thuận tiện để nối ống thải khí.
- Máy sấy thông hơi tiêu thụ điện nhiều hơn máy sấy bơm nhiệt 3 - 4 lần.
- Máy sấy thông hơi có nguy cơ cháy nổ cao hơn máy sấy bơm nhiệt do làm nóng không khí trực tiếp bằng đầu đốt và hoạt động ở nhiệt độ cao hơn.
Nếu bạn cần thêm thông tin để chọn mua cho mình một chiếc máy sấy quần áo tốt, phù hợp, hãy tham khảo thêm những bài viết sau nhé:
» Top 10 máy sấy quần áo tốt hiện nay
» Có mấy loại máy sấy quần áo, loại nào tốt, nên mua?
» Kinh nghiệm chọn mua máy sấy quần áo
» Những điều bạn cần biết về máy sấy bơm nhiệt (heat pump)
» Những điều bạn cần biết về máy sấy ngưng tụ
Tác giả: Nguyễn Phương