Dây điện dùng cho bếp từ cần lớn hơn tổng công suất cực đại của bếp 20%. Dây đôi mềm tròn (VCmt, CVVm) hoặc dây đôi mềm ôvan (VCmo, CVVm) là tốt nhất.
Bếp từ là cách gọi tắt của bếp điện từ, bếp cảm ứng, là loại bếp sử dụng điện năng để sinh ra nhiệt làm chín thực phẩm dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ. Lựa chọn dây điện và đấu nối là một bước rất quan trọng trong quá trình lắp đặt bếp từ để đảm bảo an toàn và phòng chống cháy nổ. Hãy cùng Bếp 365 tìm hiểu cụ thể vấn đề này nhé!
1. Tại sao phải đấu dây điện bếp từ?
Bếp từ là thiết bị đun nấu thông minh, hiện đại sử dụng điện năng để hoạt động. Với nguyên lý hoạt động của bếp từ dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ, dòng điện chạy qua cuộn dây dưới mặt bếp và sinh ra từ trường trong phạm vi vài milimet, cảm ứng với đáy nồi chảo được làm bằng chất liệu có từ tính, từ đó sinh ra nhiệt để làm chín thức ăn.
Như vậy, bếp từ phải được đấu nguồn điện trực tiếp vào thì mới có thể sử dụng đun nấu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tìm hiểu bếp từ sử dụng nguồn điện nào? để khi đấu dây điện vào thì bếp hoạt động ổn định, an toàn và không ra hỏng hóc linh kiện bên trong.
Trên mỗi sản phẩm bếp từ, nhà sản xuất đều ghi đầy đủ thông số kỹ thuật trong đó có điện áp và tần số của dòng điện vào để đảm bảo lắp đặt đúng.
Hiện nay, đối với các mẫu bếp từ nhập khẩu từ Châu Âu thường sử dụng nguồn điện 220V. còn với bếp từ có xuất xứ từ Nhật Bản, Đài Loan,..sẽ sử dụng điện áp 100V - 120V. Nguồn điện gia dụng được sử dụng ở Việt Nam thường là dòng điện xoay chiều 1 pha với điện áp 220V, tần số 50Hz. Bởi vậy, với các dòng bếp từ có điện áp 100V - 120V thì cần phải sử dụng thêm biến áp để hạ điện áp từ 220V xuống mức điện áp của bếp từ đó.
Sau khi kiểm tra nguồn điện đã phù hợp, chúng ta cũng chưa thể đấu trực tiếp nguồn điện vào thiết bị bếp từ, mà cần kiểm tra ổ cắm, dây điện đấu vào bếp từ có đảm bảo chịu được tải không. Ổ cắm điện, dây điện không chịu được tải đều gây ra những thiệt hại từ nhẹ đến nghiêm trọng như bếp hoạt động không hiệu quả, hiệu suất không cao, báo lỗi liên tục, hỏng bếp, giảm tuổi thọ bếp, chập mạch điện gây cháy nổ, hỏng hóc linh kiện bếp từ...
Việc tìm hiểu nguồn điện áp, dây nguồn và cách đấu dây điện bếp từ đúng cách, an toàn là việc rất quan trọng vừa để đảm bảo hiệu quả hoạt động cho bếp vừa đảm bảo an toàn cho người dùng. Nếu chọn sai dây nguồn hoặc đấu nối không đúng quy trình sẽ dẫn đến nhiều vấn đề khác. Nhẹ nhất là bếp từ báo lỗi liên tục hoặc bật tắt liên tục vì dây không chịu được đủ tải. Nguy hiểm nhất là linh kiện bên trong bị chập, cháy nổ khiến các thiết bị điện tử khác trong nhà hỏng theo và gây nguy hiểm cho an toàn của người dùng.
2. Bếp từ dùng dây điện loại nào?
Để đảm bảo an toàn, dây điện dùng cho bếp từ cần lớn hơn tổng công suất cực đại của bếp ít nhất 20%. Nếu không chịu được tải, lớp cách điện của dây sẽ bị nóng chảy dẫn tới chập, cháy. Bạn cần đọc kỹ tài liệu kỹ thuật của nhà sản xuất, đặc biệt lưu ý với các bếp từ có chức năng tăng cường (Booster). Ví dụ tổng công suất cực đại của bếp từ đôi Bosch PPI82560MS Series 8 là 3500W, bạn cần dùng dây có công suất chịu tải = 3500 + 700 (20%) = 4200W.
Bếp từ dùng dây điện mấy chấm tùy thuộc vào công suất của bếp và chất lượng dây của nhà sản xuất. Về cơ bản, tiết diện lõi sẽ phản ánh mức chịu tải. Ví dụ dây 4 chấm sẽ chịu được tải ≤ 6200W. Các bạn tham khảo bảng công suất chịu tải đối với điện sinh hoạt (1 pha, 220V) của dây đôi mềm VCm, VCmd, VCmx, VCmt, Vcmo. Dây CVVm có công suất chịu tải lớn hơn chút.
Tiết diện ruột dẫn (mm2) | Công suất chịu tải (W) |
0,5 | ≤ 800 |
0,75 | ≤ 1200 |
1 | ≤ 1700 |
1,25 | ≤ 2100 |
1,5 | ≤ 2400 |
2 | ≤ 3300 |
2,5 | ≤ 4400 |
3,5 | ≤ 5700 |
4 | ≤ 6200 |
5,5 | ≤ 8800 |
6 | ≤ 9600 |
Để đảm bảo an toàn, công suất chịu tải của dây điện phải lớn hơn tổng công suất các thiết bị tiêu thụ điện có đấu nối vào ít nhất 20%. Ví dụ 1 dây điện có nhiều thiết bị tiêu thụ điện đấu nối với tổng công suất là 5000W thì cần chọn dây có công suất chịu tải ≥ 6000W. Trong trường hợp dây có ổ cắm, có thể có thêm thiết bị đấu nối, cần chọn dây điện có tiết diện lớn hơn nữa.
Bếp từ là thiết bị bếp thông minh và hiện đại, giúp người dùng tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức bởi khả năng nấu nướng, đun sôi nhanh chóng. Thời hạn sử dụng bếp cũng khá cao, có thể lên đến hàng chục năm nếu được lắp đặt và sử dụng đúng cách. Bạn cần hiểu rõ dây điện nào phù hợp với bếp từ nhà bạn và chọn đúng loại dây để đảm bảo an toàn.
3. Cách chọn dây nguồn cho bếp từ
Dây điện nhiều sợi sẽ tốt hơn dây 1 sợi, dây có nhiều lớp bọc sẽ an toàn hơn. Dây điện tốt nhất nên dùng cho bếp từ là dây đôi mềm tròn (VCmt, CVVm) hoặc dây đôi mềm ôvan (VCmo, CVVm). Ngoài ra bạn cũng có thể dùng dây đôi mềm dẹt (VCmd) hoặc dây đôi mềm xoắn (Vcmx), dây đơn mềm (VCm). Tùy thuộc vào cách lắp đặt và đi dây mà bạn chọn loại dây cho phù hợp.
Nếu đi dây nổi bên ngoài, bạn có thể chọn 1 trong các loại dây trên, cần đảm bảo tổng công suất cực đại và thẩm mỹ.
Đi dây điện âm tường là cách mà nhiều gia đình lựa chọn hiện nay để đảm bảo thẩm mỹ và an toàn cho phòng bếp. Dây điện sẽ được đặt bên dưới sàn nhà hoặc bên trong tường thông qua một lớp bảo vệ bên ngoài là các ống nhựa. Bạn có thể đặt nhiều dây điện bên trong ống nhựa nhưng không nên để quá nhiều để khi có vấn đề cần sửa chữa thì có thể dễ dàng rút dây hoặc luồn dây thay thế. Đi dây âm bạn nên sử dụng dây VCmo, CVVm, VCmt, CVVm.
Ngoài ra, dây nguồn cho bếp từ có 3 - 5 dây với có màu sắc khác nhau tương ứng với các pha, tiếp đất, đặc điểm này giúp kỹ thuật viên dễ dàng nhận ra khi đấu dây cho bếp từ.
4. Cách đấu dây điện bếp từ đúng cách
Sau khi lắp đặt bếp từ đúng cách, chúng ta sẽ tiến hành kết nối nguồn điện với bếp. Tùy vào từng loại model bếp từ mà cách đấu dây sẽ hơi khác nhau một chút nhưng về quy trình cơ bản thì vẫn giống nhau. Bep365 sẽ hướng dẫn dưới đây để bạn dễ dàng quan sát quá trình thực hiện việc lắp đặt bếp từ.
Bước 1: Chuẩn bị dụng cụ, ngắt nguồn điện khu vực đấu nối
Các dụng cụ cần thiết cho việc đấu nối dây điện này là: dây nguồn cho bếp từ, kìm tuốt dây điện, dao cắt, bút thử điện, băng dính cách điện, găng tay và đồ bảo hộ. Bạn cần ngắt nguồn điện để đảm bảo an toàn trước khi tiến hành đấu nối.
Bước 2: Tuốt lõi dây đồng ra khỏi vỏ nhựa
Sử dụng kéo để cắt tất cả các đầu nối sợi dây điện đã chuẩn bị lúc trước. Tiếp đó, lấy dao hoặc kéo khía vòng quanh vỏ nhựa bảo vệ dây điện. Sau đó, dùng kéo hoặc kìm tuốt bỏ vỏ nhựa ra khỏi lỗi dây đồng bên trong với độ dài khoảng 3cm.
Bước 3: Đấu dây điện bếp từ
Để đảm bảo hiệu suất, bạn nên kết nối dây điện cấp nguồn cho bếp từ hoạt động với nguồn tổng chứ không nên lấy nguồn từ ổ điện gần nhất. Như Bep365 đã chia sẻ ở trên thì dây điện trong nhà thường chỉ có tiết diện 2,5mm cho các ổ cắm nên khi lấy nguồn từ đây sẽ có nguy cơ gây chập điện vì quá tải.
Cách đấu dây điện bếp từ 3 dây và 5 dây (Điện dân dụng 1 pha)
Ghi chú: * là cách đấu nối dây nguồn có 4, 5 dây
- Dây màu nâu (và màu đen *) đấu vào pha lửa (L).
- Dây màu xanh dương (và màu trắng *) đấu vào pha nguội (N).
- Dây màu vàng sọc xanh lá cây đấu vào dây tiếp đất. Nếu không có dây nối đất, có thể tạm khắc phục bằng cách dùng 1 đoạn kim loại đóng sâu vào tường.
Sau khi đấu nối, bạn cần dùng bút thử điện để kiểm tra trên bề mặt kim loại ở đáy bếp xem có bị dò điện không và dùng băng keo điện hoặc kẹp nhựa bọc cẩn thận chỗ đấu nối để đảm bảo an toàn.
Bước 4: Sử dụng bút thử điện kiểm tra
Cuối cùng, bạn cắm điện và dùng bút thử điện vào các đoạn nối dây để xem điện có bị hở hay không. Nếu thấy bút không sáng thì nghĩa là bạn đã đấu dây đúng cách.
Bước 5: Quấn băng dính cách điện
Sau khi đã đấu nối dây theo cặp, dùng thêm băng dính cách điện để quấn riêng từng cặp đầu dây lại với nhau, đảm bảo an toàn.