Các bước chi tiết và đơn giản nhất để lắp bếp từ âm và bếp từ dương an toàn. Từ khâu chuẩn bị, xác định vị trí đặt bếp tới khoét lỗ, đấu dây điện, kiểm tra.
Bếp từ có cấu tạo và nguyên lý hoạt động dựa trên hiện tượng cảm ứng điện từ. Bếp từ có thiết kế đẹp, rất tiết kiệm điện (hiệu suất sử dụng điện lên tới 80 – 90%), nấu chín thức ăn nhanh, dễ vệ sinh, an toàn và tỏa ít nhiệt ra khu vực nấu ăn nhất, rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Việt Nam. Sau khi lựa chọn được một chiếc bếp từ tốt, chúng ta cần biết cách lắp đặt đúng và an toàn.
Những lưu ý quan trọng:
- Khi lắp đặt cần có kinh nghiệm về điện, khoét lỗ đặt bếp cần có độ chính xác và nguy hiểm vì mảnh vụn có thể bắn vào mắt, bạn nên thuê thợ hoặc tìm hiểu cẩn thận tài liệu hướng dẫn và cân nhắc kỹ, mang đủ đồ bảo hộ nếu muốn tự làm.
- Một số trang bị, dụng cụ cần thiết để lắp đặt bếp từ: Kính bảo hộ, áo bảo hộ, găng tay bảo hộ, khẩu trang, máy cắt, kìm, kìm tuốt dây điện hoặc dao, bút thử điện, tuốc nơ vít, băng keo điện.
- Nếu bạn muốn lắp 1 chiếc bếp từ mới vừa với lỗ khoét của bếp cũ, nên ưu tiên tìm sản phẩm của hãng bếp bạn đã dùng.
1. Cách lắp đặt bếp từ âm
Bước 1: Xác định vị trí đặt bếp
- Gọi là máy hút mùi nhưng máy sẽ hút cả hơi nước và hơi nóng bốc lên từ bếp trong quá trình nấu ăn, vì vậy chúng ta cần đặt bếp thẳng bên dưới máy hút mùi, mặt bếp cách hút mùi khoảng 650mm - 750mm.
- Mặt bếp cần đủ cao để tránh trẻ nhỏ có thể sờ tới, người nấu không phải cúi, với. Chiều cao tiêu chuẩn cho người Việt là 800mm - 900mm.
- Cách xa nơi có nhiều nước, độ ẩm cao, trên 1m là tốt nhất.
- Cách xa các đồ vật có thể bị hư hại bởi từ trường, hơi nước, nhiệt độ cao sinh ra trong quá trình vận hành bếp, trên 80cm là tốt nhất.
- Có khoảng không phía dưới đáy bếp tối thiểu 20cm (đối với bếp từ âm) để đảm bảo khả năng thoát nhiệt. Không để vật nào chắn các khe tản nhiệt trên phần thân đáy, đặc biệt là chắn các khe thoáng nơi có quạt tản nhiệt.
- Không quá gần các thiết bị sinh nhiệt cao như bếp gas.
Bước 2: Mở bao bì sản phẩm
Sản phẩm cần được đặt ở vị trí khô ráo, an toàn, khi mở cần cẩn thận tránh va chạm mạnh, rơi vỡ. Nếu cần dùng dao, kéo để mở bao bì, không để dao, kéo chọc vào sản phẩm và phụ kiện. Sau khi mở bao bì, xếp sản phẩm, phụ kiện và các giấy tờ kèm theo gọn gàng.
Bước 3: Đọc tài liệu của nhà sản xuất
Bạn cần đọc cẩn thận hướng dẫn lắp đặt, hướng dẫn sử dụng, thông tin sản phẩm của nhà sản xuất. Nếu bạn chưa lắp bếp từ lần nào, bạn nên tham khảo video hướng dẫn trước.
Bước 4: Khoét lỗ đặt bếp
- Bếp từ có 2 kích thước, kích thước bếp và kích thước lắp đặt. Bạn cần đọc tài liệu của nhà sản xuất để biết chính xác kích thước lắp đặt. Đồng thời, bạn cũng nên đo kích thước lắp đặt thực của bếp để đảm bảo chính xác tới mm.
- Kích thước lỗ khoét không nên rộng quá 5mm mỗi chiều so với kích thước lắp đặt của bếp. Lỗ quá rộng sẽ làm giảm khả năng chịu lực.
- Sau khi có kích thước lắp đặt chính xác, bạn cần đo, đánh đánh dấu kích thước lỗ cần khoét trên mặt đá.
- Khi dùng máy cắt khoét lỗ, bạn cần hết sức lưu ý đảm bảo an toàn, đeo kính bảo hộ và khẩu trang tránh các mảnh vụn bay vào mắt và bụi. Quá trình cắt cần cẩn thận tránh nhầm lẫn, đảm bảo kỹ thuật, thẩm mỹ.
Bước 5: Đặt bếp vào vị trí
- Sau khi khoét lỗ, cần vệ sinh nơi lắp đặt bếp.
- Đặt bếp vào vị trí, lót mút, xốp chống tràn (nếu cần).
- Dùng thước thăng bằng để cân bằng, đảm bảo bếp không bị nghiêng.
- Bắt đai giữ bếp với mặt bàn đá để bếp không bị xê dịch.
Bước 6: Kết nối nguồn điện
Trước khi kết nối nguồn điện, bạn cần đọc kỹ tài liệu hướng dẫn ký thuật của nhà sản xuất và hiểu về dây điện dùng cho bếp từ để đảm bảo:
- Điện áp, tần số đầu vào phù hợp với bếp, nếu không, bắt buộc phải dùng thiết bị chuyển đổi cho phù hợp. Điện dân dụng Việt Nam là điện xoay chiều 1 pha 220V tần số 50Hz, một số nhà có thể dùng điện 3 pha. Hiện tại ở thị trường Việt Nam không có hãng bếp từ nào bảo hành cho trường hợp lắp đặt sai về điện.
- Nguồn điện có qua cầu dao (aptomat) có công suất phù hợp trước khi vào bếp từ.
- Dây điện, ổ điện đáp ứng tốt tổng công suất của bếp từ, bao gồm cả các chức năng làm nóng nhanh (Booster).
Đối với trường hợp không dùng phích cắm mà đấu nối trực tiếp vào nguồn điện, bạn cần đảm bảo chắc chắn nguồn điện đã được ngắt tại nơi lắp đặt trước khi thao tác đấu nối. Bạn có thể dùng bút thử điện để kiểm tra, đảm bảo nguồn điện đã được ngắt hoàn toàn.
Cách đấu dây điện bếp từ 3 dây (Điện dân dụng 1 pha)
Ghi chú: Nếu không có dây nối đất, có thể khắc phục bằng cách dùng 1 đoạn kim loại đóng sâu vào tường.
- Dây màu nâu đấu vào pha lửa (L).
- Dây màu xanh dương hoặc màu tím nhạt đấu vào pha nguội (N).
- Dây màu vàng sọc xanh lá cây đấu vào dây tiếp đất.
Cách đấu nối dây điện bếp từ 3 dây
Cách đấu dây điện bếp từ 4 dây, 5 dây (Điện dân dụng 1 pha)
- Dây màu nâu và dây màu đen đấu vào pha lửa (L).
- Dây màu xanh dương/tím nhạt và dây màu ghi xám/trắng đấu vào pha nguội (N).
- Dây màu vàng sọc xanh lá cây đấu vào dây tiếp đất.
Cách đấu nối dây điện bếp từ 5 dây
Sau khi đấu nối, bạn cần dùng bút thử điện để kiểm tra trên bề mặt kim loại ở đáy bếp xem có bị dò điện không và dùng băng keo điện hoặc kẹp nhựa bọc cẩn thận chỗ đấu nối để đảm bảo an toàn.
Bước 7: Bật bếp và kiểm tra các chức năng
Sau khi đấu nối dây điện, bạn bật cầu dao, đặt nồi dùng cho bếp từ đựng nước lên bếp, bật nút nguồn, nếu thấy có mùi hay âm thanh nào bất thường cần cắt cầu dao và để thợ có chuyên môn kiểm tra. Nếu thấy bảng điều khiển hiển thị bình thường thì tiến hành kiểm tra các chức năng. Nếu phát hiện có chức năng không hoạt động hoặc hoạt động không đúng, bạn hãy liên hệ với người bán để bảo hành sản phẩm.
Bước 8: Vệ sinh khu vực lắp đặt
Sau khi kiểm tra các chức năng, chúng ta cần thu dọn dụng cụ và tiến hành vệ sinh để hoàn tất quá trình lắp đặt.
2. Lắp bếp từ âm trên khung
Nếu không có điều kiện lắp bếp từ âm trên bệ bếp, bạn có thể lắp bếp từ âm trên khung. Tùy vào vị trí đặt bếp và nhu cầu thẩm mỹ, bạn có thể dùng khung inox bán sẵn hoặc khung gỗ. Khi lắp bếp từ âm trên khung, có 2 điểm bạn cần hết sức lưu ý:
- Có đủ khoảng không bên dưới bếp để thoát nhiệt sinh ra trong quá trình nấu ăn.
- Cần có lỗ, khe thoáng khí trên các thành khung, đặc biệt là vị trí gần khe thoát nhiệt của bếp.
3. Cách lắp đặt bếp từ dương
Bếp từ dương là bếp từ di động, rất dễ lắp đặt, di chuyển. Cách lắp đặt bếp từ dương tương tự như bếp từ âm chỉ khác là chúng ta không cần khoét lỗ đặt bếp. Chi tiết cách lắp đặt bếp từ dương gồm các bước sau:
Bước 1: Xác định vị trí đặt bếp
Bước 2: Mở bao bì sản phẩm
Bước 3: Đọc tài liệu của nhà sản xuất
Bước 4: Đặt bếp vào vị trí
Bước 5: Kết nối nguồn điện
Bước 6: Bật bếp và kiểm tra các chức năng
Bước 7: Vệ sinh khu vực lắp đặt
Sau khi lắp đặt bếp từ xong, bạn cần nắm được cách sử dụng với 6 bước cơ bản cho người mới bắt đầu và 15 lưu ý quan trọng để sử dụng bếp từ an toàn, hiệu quả.
Tác giả: Nguyễn Phương